Vào năm 1945, Tiến Sĩ Armand Feigenbaum đã xây dựng phương pháp kiểm soát chất lượng toàn diện TQC (Total Quality Control). Phương pháp này đã đặt nền tảng cho quá trình hình thành nên hệ thống quản trị chất lượng toàn diện. Khi Feigenbaum về làm lãnh đạo tại hãng General Electric từ năm 1950 trở đi thì phương pháp TQC này đã được áp dụng mạnh mẽ. TQC được định nghĩa như “một hệ thống hiệu quả để hợp nhất các nỗ lực về triển khai chất lượng, duy trì chất lượng và cải tiến chất lượng của các bộ phận khác nhau trong một số tổ chức sao cho nó có thể sản xuất và thực hiện dịch vụ ở mức kinh tế nhất và thõa mãn được người tiêu dùng”.

Feigenbaum đã nêu quan điểm khẳng định trách nhiệm của mọi người trong hãng đối với chất lượng như sau: “Bởi vì chất lượng là công việc của tất cả mọi người, nếu không khéo áp dụng nó rất dễ trở thành công việc của không ai cả trong doanh nghiệp”. Sau này chính ông đã đề xuất ý tưởng chất lượng phải được thực thi và triển khai bắt đầu từ cấp quản lý cao nhất trong doanh nghiệp.
Một nhân vật lịch sử khác cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng nên hệ thống quản trị chất lượng toàn diện TQM hiện đại là Tiến Sĩ Edwards Deming. Từ năm 1950, khi Ông đến Nhật Bản làm việc Ông đã giới thiệu phương pháp kiểm soát quá trình làm việc hiệu quả bằng thống kê SPC (Statistical process control) và phát triển nhiều khái niệm cũng như nhiều mô hình ứng dụng chất lượng. Trong đó có mô hình vòng tròn kiểm soát chất lượng P-D-C-A nổi tiếng, và mọi người cũng lấy tên Ông đặt tên cho vòng tròn này. Hiện nay hay được các chuyên gia chất lượng gọi là vòng tròn Deming.

Và người thứ ba cũng có những đóng góp đáng kể vào hệ thống quản trị chất lượng toàn diện TQM là Giáo Sư Joseph Juran, một chuyên gia hàng đầu về quản trị chất lượng QM (Quality Management) của Hoa Kỳ. Từ năm 1954 trở đi, Ông thường xuyên được Liên đoàn các nhà khoa học và kỹ sư Nhật Bản mời sang Nhật huấn luyện và hướng dẫn cho các nhà quản lý cũng như chuyên gia đầu nghành ở Nhật về quản trị chất lượng.

Sau cùng, bằng cách tiếp thu kiến thức và trao đổi kinh nghiệm quản lý chất lượng hàng năm, người Nhật đã phát triển và xây dựng thành phương pháp quản trị chất lượng toàn diện TQM cho đến ngày hôm nay. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng phương pháp quản trị TQM của Nhật Bản hay của thế giới hôm nay là bước hoàn thiện của TQC (Total Quality Control), SPC (Statistical process control) và QM (Quality Management).